10 bài thuốc chữa cảm cúm hiệu quả từ thực phẩm

Cảm cúm là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến liên quan đến đường hô hấp, thường phát sinh từ tình trạng mũi, họng hay thậm chí là phổi bị nhiễm trùng do virus. Bệnh có thể tương đối nhẹ ở đa số trường hợp. Tuy nhiên, đôi khi bạn vẫn có nguy cơ tử vong vì mắc cảm cúm.


Một số triệu chứng của cảm cúm:

- Sốt: Hầu hết những người bị cúm đều bị sốt. Cơn sốt có thể dao động từ 37,8 độ C đến 40 độ C. Trẻ em luôn bị sốt cao hơn người lớn. Hầu hết các cơn sốt đều kéo dài dưới 1 tuần, thường là khoảng từ 3-4 ngày.

- Viêm họng: Vi khuẩn cúm cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng.

- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi: Đây là triệu chứng cảm cúm phổ biến nhất, hầu hết mọi người đều phải “làm bạn” với khăn giấy khi bị cảm cúm.

- Ớn lạnh: Kèm theo cơn sốt, bệnh nhân bị cúm còn có thể cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi hoặc cảm thấy lạnh mặc dù nhiệt độ cơ thể cao.

- Ho: Ho khan là dấu hiệu cảm cúm thường gặp. Tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn, khó chịu và đau đớn hơn, bạn cũng có thể cảm thấy khó thở hoặc đau tức ngực. Những cơn ho có thể kéo dài trong khoảng 2 tuần.

- Đau cơ: Phổ biến nhất là những cơn đau ở cổ, lưng, cánh tay và chân của bạn. Những cơn đau này có thể khiến cho việc di chuyển của bạn trở nên khó khăn hơn ngay cả khi thực hiện những hoạt động cơ bản.

- Đau đầu: Triệu chứng đầu tiên khi bạn bị cúm có thể là sự xuất hiện của một cơn đau đầu dữ dội. Một số triệu chứng khác đi kèm với đau đầu sẽ là lóa mắt, nhạy cảm với ánh sáng.

- Mệt mỏi hay thậm chí là suy nhược cơ thể: Đây là một triệu chứng không rõ ràng của bệnh cúm. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau.

- Nôn mửa và tiêu chảy cấp: Tuy nhiên, tiêu chảy cấp chủ yếu chỉ phát sinh ở trẻ em.


Dưới đây là một số bài thuốc, cây lá chữa cảm cúm thường gặp trong mùa lạnh

1. Bạc hà

Bạc hà khô 20g, tỏi 10g, hương nhu khô 20g, hạt mùi khô 5g. Cho 3 bát nước, đun sôi kỹ còn 1 bát là được. Lấy một nửa bát nước thuốc cho bệnh nhân uống. Phần còn lại bịt kín nồi thuốc chỉ để 1 lỗ thủng nhỏ cho hơi thuốc bay ra, bệnh nhân ngồi ngửi hơi thuốc đó, khi hết hơi nóng thì thôi, ngày làm 1 lần, làm 2 ngày liền. Nếu cảm cúm có sốt nóng, rét, đau đầu, sổ mũi, đau nhức chân tay, cần dùng bài thuốc sau: Bạc hà khô 5g, cúc hoa vàng khô 10g, kinh giới khô 5g, kim ngân khô 15g. Sắc thuốc xong chia 2 lần uống trong ngày, uống trước khi ăn, cần uống 3 ngày liền. Chú ý, không nên dùng bạc hà cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và người mắc bệnh cao huyết áp.


2. Cúc tần

Chữa cảm cúm nhức đầu không có mồ hôi: Lá cúc tần 20g, lá sả 10g, lá chanh 8g, sắc thuốc xong cho bệnh nhân uống lúc còn nóng, bã thuốc còn lại cho thêm 2 bát nước đun sôi để cho bệnh nhân xông, sau đắp chăn kín cho ra mồ hôi.


3. Kinh giới

Chữa cảm cúm, đau nhức các đầu xương: Kinh giới tươi (cành non, lá) 50g, gừng sống 10g. Hai thứ rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống, ngày uống 2 lần, bã thuốc xoa dọc xương sống từ trên xuống.Kinh giới chữa cảm cúm, đau nhức các đầu xương.


4. Tía tô

Chữa bệnh cảm cúm không có mồ hôi: Lá tía tô (tươi) 15g, hành tươi (củ, rễ, dọc) 3 củ. Cả hai rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát cháo nóng để bệnh nhân ăn, ăn xong thì đắp chăn kín cho ra mồ hôi.


5. Tỏi

Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm… Dùng tỏi giã vắt lấy nước cốt 10 ml uống, ngoài dùng tỏi bọc bông nút mũi để chống lây.


6. Hành

Thuốc chữa cảm cúm, sốt nhẹ, nhức đầu: Hành 15g, (cả củ, rễ, lá) rửa sạch giã nhỏ. Tía tô 20g rửa sạch thái thật nhỏ. Cả hai cho vào cháo loãng nóng quấy đều cho bệnh nhân ăn. Ăn xong đắp chăn kín cho ra mồ hôi. Chữa cảm sốt nhức đầu: Hành củ 30g, gừng tươi 20g, chè búp (khô) 8g, tía tô 6g. Sắc thuốc xong, cho bệnh nhân uống làm 2 lần trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.


7. Cỏ mần trầu

Chữa cảm cúm: Cỏ mần trầu 10g, cam thảo nam 8g, kim ngân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.


8. Cam thảo đất

Chữa cảm cúm sợ gió, có mồ hôi, nặng đầu, ho: Bạc hà 8g, kinh giới 8g, lá tre 16g, kim ngân 16g, cam thảo đất 12g. Sắc thuốc xong, cho bệnh nhân uống làm hai lần trong ngày, uống khi thuốc đã nguội.


9. Gừng

Gừng tươi thái lát 5g, hạt rau mùi 35g, hành cả rễ đập dập 3 củ. Tất cả đem sắc uống ấm trong ngày. Trị sốt cao, đau ê ẩm toàn thân, mặt mũi đỏ, không ra mồ hôi. Sau khi uống thuốc đắp chăn kín đầu ra được mồ hôi là khỏi. Hoặc ăn thêm cháo trứng tía tô rễ hành hiệu quả càng cao.


10. Ngải khô

Lá ngải khô 30g, nếu tươi gấp đôi. Đem sắc uống ngày một đến hai thang uống khi còn ấm. Trị sốt cao, rét run, nghẹt mũi, người mệt mỏi chỉ muốn ngủ./.


Trên đây là 10 bài thuốc tự nhiên chữa cảm cúm. Nhưng sẽ có một số bệnh cũng có dấu hiệu như cảm cúm thông thường vì vậy bạn nên đến các trung tâm khám chữa bệnh để được chuẩn đoán và chữa trị một cách tốt nhất. Hãy trân trọng sức khỏe của bạn và người thân nhé!

Nguồn: http://giaoduc.net.vn